Tưới hiệu quả và tiết kiệm bằng công nghệ tưới của Netafim tại Tây Nguyên

Ngày đăng 14/06/2016

Theo báo Kinh Tế Nông Thôn số ra ngày 03/06/2016 tác giả Khánh Nguyên.
 
Nguồn: http://www.kinhtenongthon.com.vn/Tuoi-tiet-kiem-mot-lua-chon-cho-Tay-Nguyen-132-60686.html
 
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp như hiện nay, việc tìm phương thức canh tác phù hợp là rất quan trọng. Với vùng thường xuyên phải đối mặt với khô hạn như Tây Nguyên, áp dụng biện pháp tưới tiết kiệm được coi là hợp lý.
 
t11t-(1).jpg
Mô hình tưới nước nhỏ giọt cho hồ tiêu của đồng bào M’nông ở bon Đắk R’la, xã Đắk N’drót (Đắk Mil - Đắk Nông).
Ảnh: Hồ Mai

 
Nhiều lựa chọn

Theo ThS.Nguyễn Xuân Kiều, Trung tâm Thủy lợi miền núi phía Bắc, Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường (Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam), công nghệ tưới tiết kiệm bắt đầu được người dân Tây Nguyên quan tâm, ứng dụng từ năm 2000 và đang có xu hướng ngày càng phát triển.

Tại Lâm Đồng, toàn tỉnh hiện có trên 39.237/340.600ha gieo trồng được áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, chiếm 11,52%, trong đó tưới cho cây rau, hoa là 15.343ha. Các công nghệ tưới chủ yếu là nhỏ giọt và tưới phun mưa.

Mô hình trồng tiêu sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước có mặt đầu tiên tại Gia Lai từ năm 2009 do một số hộ dân ở thị trấn Chư Sê thực hiện. Công nghệ do Netafim cung cấp, xuất xứ từ Israel. Bên cạnh hệ thống tưới, người dân còn thiết kế, lắp đặt các thiết bị tưới có nguồn gốc Đài Loan (Trung Quốc), một số chi tiết được tận dụng từ nguồn thiết bị sản xuất trong nước.
Tại Đắk Lắk, ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt đã được thực hiện trên cây cà phê, hồ tiêu, vải ở địa bàn các huyện Cư Kuin, Cư M’gar và Krông Pắk. Mỗi mô hình có quy mô khoảng 1ha, được Trung tâm Khuyến nông tỉnh lựa chọn đầu tư với sự hợp tác của các hộ dân.

Sở Khoa học và Công nghệ Đắk Nông cũng triển khai thí điểm mô hình tưới nhỏ giọt cho cây hồ tiêu (quy mô 1ha) và cây bưởi da xanh (quy mô 2ha) tại phường Nghĩa Phú (thị trấn Gia Nghĩa) và xã Nâm N’Jang (huyện Đắk Song). Giải pháp này đã được chứng minh mang lại hiệu quả cao về sử dụng nước tưới, phân bón, nhân công cũng như những hiệu quả về bảo vệ môi trường. Sau khi nghiên cứu, các hộ dân xung quanh khu vực mô hình đã tự động áp dụng công nghệ vào vườn của mình với tổng diện tích khoảng 15ha.

Dự án “Sản xuất nhiều cà phê hơn với ít nước tưới hơn - hướng tới giảm lượng nước tưới trong sản xuất cà phê” do Tập đoàn Nestle toàn cầu và Cơ quan Hợp tác phát triển Thụy Sĩ tài trợ cũng được triển khai trên địa bàn huyện Đắk Hà (Kon Tum). Theo dự án,  từ năm 2015 đến năm 2017, 7.000 nông dân trồng cà phê trên địa bàn huyện Đắk Hà được tập huấn về phương pháp tưới nước tiết kiệm kết hợp thực hành nông nghiệp tốt, hướng tới sản xuất cà phê bền vững, thân thiện với môi trường. Phương pháp tưới nhỏ giọt được sử dụng trong dự án sẽ giúp nông dân giảm nước tưới từ 700 lít/gốc xuống còn 400 lít/gốc.

Qua thực tiễn triển khai, các kỹ thuật tưới tiên tiến ở Tây Nguyên đã thể hiện được ưu điểm vượt trội. Với kỹ thuật tưới nhỏ giọt, nông dân có thể tiết kiệm 30 - 50% lượng nước tưới so với tưới phun mưa và tưới dí; nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón do phân được mang đến vùng rễ hút của cây; chi phí vận hành thấp do lưu lượng nước thấp, không đòi hỏi áp suất cao nên chi phí nhiên liệu thấp, ít công vận hành do hệ thống đường ống lắp đặt cố định; hạn chế sâu bệnh và cỏ dại. 

Kỹ thuật tưới gốc có ưu điểm là chi phí mua trang thiết bị thấp, tổn thất nước trong quá trình tưới không đáng kể, chi phí nhiên liệu thấp. Nhược điểm là lượng nước tưới không đều (phụ thuộc bồn tưới); thao tác nặng nhọc,...

Kỹ thuật tưới phun mưa tại gốc có ưu điểm là nguyên liệu sản xuất trong nước có sẵn nên dễ mua và thay thế; kế thừa các ưu điểm của tưới nhỏ giọt: tiết kiệm nước, tăng hiệu lực sử dụng phân, hạn chế cỏ dại, tiết kiệm công lao động.

Thiếu cơ chế để nhân rộng

Theo ThS.Nguyễn Xuân Kiều, hiện nay tốc độ phát triển của công nghệ tưới hiện đại vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu phát triển nông nghiệp tại Tây Nguyên. Ước tính, mới có khoảng 50.000-60.000ha sử dụng công nghệ tưới phun mưa và nhỏ giọt, chiếm 2% diện tích cây trồng cạn tại Tây Nguyên. Các mô hình chủ yếu được áp dụng tại những hộ gia đình và doanh nghiệp có điều kiện kinh tế và đầu tư sản xuất những cây trồng có giá trị kinh tế cao như rau hoa, hồ tiêu... Tại Lâm Đồng, 26,52% trong tổng số 60.000ha rau, hoa được áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm trong khi cà phê chỉ mới có khoảng 0,2% diện tích. Trên 60% diện tích tưới tiết kiệm tại Đắk Lắk và Gia Lai áp dụng cho cây hồ tiêu;

Nguyên nhân dẫn đến việc chưa nhân rộng các mô hình tưới tiết kiệm là do quy mô sản xuất của nông dân còn nhỏ lẻ, toàn vùng lại thiếu quy hoạch đồng bộ. Hiện, trên địa bàn 5 tỉnh Tây Nguyên chưa địa phương nào có quy hoạch về áp dụng công nghệ tưới tiên tiến tiết kiệm nước cho cây trồng. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng về điện, thủy lợi và các cơ chế chính sách khuyến khích áp dụng công nghệ tưới tiên tiến còn hạn chế. Chính sách hỗ trợ của nhà nước tuy đã được ban hành nhưng chưa có chương trình cụ thể để thúc đẩy ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm. Việc nghiên cứu và ban hành các quy trình phù hợp cho các đối tượng cây trồng tại các khu vực chưa kịp thời. Hầu hết các mô hình canh tác áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm tại Tây Nguyên là  nhỏ lẻ, do người dân tự đầu tư với diện tích nhỏ, từ 0,5-2ha.

Ngoài ra, còn thiếu sự liên kết của nhiều thành phần tham gia sản xuất, chưa gắn được trách nhiệm, quyền lợi của nhau.  Chưa áp dụng đồng bộ các giải pháp công nghệ trong tạo và  khai thác sử dụng hiệu quả nguồn nước. Trên thực tế, các mô hình tưới tiết kiệm nước tại Tây Nguyên nằm hầu hết ở khu vực thuận lợi về nguồn nước mặt hoặc khai thác nguồn nước ngầm với quan điểm là thay thế giải pháp tưới truyền thống. Việc tích hợp các công nghệ tại nguồn chưa được các hộ dân tiếp cận và áp dụng.

Đó là chưa kể chi phí đầu tư cho công nghệ tưới còn khá cao (60 - 90 triệu đồng/ha), người sản xuất thiếu vốn đầu tư, vay ngân hàng khó và chi phí vốn vay cao. Chưa có chính sách hỗ trợ vốn và kỹ thuật đối với các hộ nông dân để giảm gánh nặng về vốn đầu tư giúp các nông hộ tự tin hơn trong việc đầu tư lắp đặt hệ thống tưới. Các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ cho công nghệ còn thiếu chuyên nghiệp, việc chuyển giao công nghệ thiếu chủ động, hiệu quả nên sau khi lắp đặt và chuyển giao, hầu hết các nông hộ đều bối rối khi các hệ thống gặp vấn đề.

Vì vậy, các địa phương trên địa bàn Tây Nguyên cần có chính sách, cơ chế để nhân rộng các mô hình tưới tiết kiệm. Việc đẩy mạnh áp dụng công nghệ tưới tiên tiến sẽ góp phần giải quyết căn bản những khó khăn và đánh thức tiềm năng to lớn về nông nghiệp của khu vực này.

go top